Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

SỬ DỤNG AN TOÀN HỘP ĐỰNG THỰC PHẨM BẰNG NHỰA


Các đồ đựng bằng nhựa đều được tráng phủ BPA
- một chất độc được khẳng định là có liên quan đến hiện tượng vô sinh ở nam giới
 


Bài viết “Chất độc trong hộp đựng thực phẩm bằng nhựa” chỉ phản ánh một phần rất nhỏ trong vô vàn “tội ác” của hộp nhựa. Tuy nhiên, việc vứt bỏ và thay thế hoàn toàn các hộp đựng và các chai lọ bằng nhựa một sớm một chiều là điều vô cùng khó khăn. Để hạn chế bớt việc đưa chất độc vào cơ thể những người thân yêu, các bạn cần lưu ý một số điều sau:

Chọn mua hộp nhựa:

Khi chọn mua hộp nhựa, các bạn tuyệt đối không chọn những loại hộp không có nhãn mác, xuất xứ, không ghi rõ các thông số cần thiết. Các bạn nên cân nhắc thêm một khoản tiền để mua sự an toàn và sức khỏe cho gia đình bằng việc chọn sản phẩm của những nhãn hiệu danh tiếng, trên sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ và các thông số an toàn. Sau đây là một số ký hiệu trên các hộp nhựa sẽ giúp bạn nhận biết được loại nhựa nào là an toàn đối với sức khỏe khi dùng để đựng thực phẩm.

Ký hiệu trên hộp nhựa
Loại nhựa ký hiệu Số 1: là nhựa polyethylene terephthalate, viết tắt là PETE hoặc là PET. Loại nhựa này được đánh giá là khá an toàn và không gây ra những tác hại xấu cho sức khỏe nên có thể dùng để chứa đựng thực phẩm. Tuy nhiên, bề mặt xốp của nó làm cho vi khuẩn có thể tích tụ nên loại nhựa này chỉ nên lựa chọn dùng để đựng thực phẩm 1 lần.

Loại nhựa ký hiệu Số 2: cũng được đánh giá là khá an toàn vì khả năng tích tụ vi khuẩn thấp, tuy nhiên nó có màu khá đục. Bạn có thể lựa chọn các sản phẩm thuộc loại nhựa này để đựng sữa, nước trái cây, nước uống…

Loại nhựa ký hiệu Số 3: loại nhựa được làm từ polyvinyl clorua, hoặc PVC. Nhìn chung thì những sản phẩm làm từ loại nhựa này rất nguy hiểm, bạn hoàn toàn không nên sử dụng chúng để chứa đựng hay bảo quản thực phẩm. Loại nhựa này chứa phthalates – một trong những hợp chất hóa học gây cản trở sự phát triển của hormone, có thể gây ra những tác hại nguy hiểm khi bạn dùng chúng để bảo quản thực phẩm nóng, nước nóng…

Loại nhựa ký hiệu số 4 và số 5: khá thích hợp cho việc tiếp xúc, chứa đựng thực phẩm. Nhựa số 4 thường được dùng để tạo ra các loại giấy gói thực phẩm. Loại nhựa có ký hiệu số 5 là thích hợp cho việc chứa đựng thực phẩm nhất. Đây là loại nhựa được làm từ polypropylene. Nếu bạn thích dùng hộp nhựa để đựng thực phẩm thì bạn nên chọn những loại hộp có ký hiệu số 5 để đảm bảo không có những hóa chất độc hại nào thôi nhiễm vào thực phẩm của bạn.

Loại nhựa ký hiệu số 6: cũng tạo ra những sản phẩm đựng thực phẩm sử dụng 1 lần. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu chứng minh được loại nhựa này có khả năng tiết ra các hóa chất độc hại, đặc biệt là với nhiệt độ cao thì người ta đã hạn chế sử dụng loại nhựa này để đựng thực phẩm.

Loại nhựa ký hiệu số 7: để chỉ các loại nhựa còn lại, là hỗn hợp các loại dẻo trong đó có Polycarbonate và chất BPA. Bạn đừng bao giờ lựa chọn những sản phẩm từ loại nhựa này để chứa đựng và bảo quản thực phẩm vì nó hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe của bạn, thậm chí còn gây ra những tác hại không tốt. Rất may là trên thị trường hiện nay rất hiếm gặp những loại hộp đựng thực phẩm, các đồ gia dụng làm từ loại nhựa số 7 này.

Tóm lại, nếu chọn mua hộp đựng thực phẩm bằng nhựa thì bạn nên mua nhựa số 2, 4, 5vì chúng khá an toàn cho bạn.

Sử dụng hộp nhựa:

Mặc dù các hộp nhựa có ký hiệu số 2, 4 và 5 được xem là khá an toàn cho trong việc bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, dẫu sao đây cũng là sản phẩm bằng nhựa nên trong quá trình sử dụng bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:

-    Không sử dụng hộp nhựa để đựng thực phẩm ở nhiệt độ cao như sữa, nước sôi, thức ăn nóng,… khả năng các chất phụ gia có trong nhựa sẽ bị giải phóng và ngấm vào thức ăn, nước uống. Mặc dù, hiện có loại nhựa chịu được nhiệt độ cao lên đến 2000C, tuy vậy để làm được điều này chắc chắn nhà sản xuất sẽ phải trộn thêm một vài thành phần phụ gia nhất định. Chính vì thế, về lâu dài khả năng ngộ độc xảy ra là điều khó có thể nói trước.

Để hạn chế tác hại này, thức ăn, nước uống cần được để nguội trước khi cho vào bảo quản trong hộp nhựa. Hoặc chỉ nên sử dụng hộp nhựa để chứa các loại rau quả, các thức ăn khô và không cất trữ lâu ngày; còn các thực phẩm như thịt cá và thức ăn đã chế biến, thực phẩm cần bảo quản thời gian lâu nên được cất trữ bằng các loại hộp thủy tinh.

-     Không sử dụng hộp nhựa để nấu, hâm nóng hay rã đông thực phẩm trong lò vi ba. Cho dù trên sản phẩm của bạn có ghi Microwave-safe hay Microwavable thì bạn cũng không nên làm điều này. Vì Microwave-safe hay Microwavable chỉ có nghĩa là loại nhựa này không bắt được sóng của lò viba nên không bị nóng chảy, không bị nứt hay tách rời khi quay trong lò. Trong khi đó, nhiệt độ của thức ăn sẽ tăng lên, và sẽ tác động vào hộp đựng bằng nhựa, làm cho cấu trúc nhựa bị thay đổi và hậu quả là chất độc có thể ngấm ra thực phẩm.

Tốt nhất, khi sử dụng lò vi sóng bạn nên để thực phẩm trong hộp thủy tinh, bát đĩa bằng sành sứ để bảo đảm an toàn cho sức khỏe gia đình.

-    Không nên sử dụng hộp nhựa quá 6 tháng dù đó là sản phẩm uy tín, vì trong quá trình sử dụng chúng không thể tránh được trầy xước và bị tác động của nhiệt độ cao. Nếu tiếp tục sử dụng thì chất độc trong hộp nhựa sẽ ngày càng dễ dàng ngấm qua thức ăn và nước uống để đi vào cơ thể chúng ta. Do đó, cần thay hộp nhựa ít nhất 6 tháng một lần.

Vệ sinh hộp nhựa:

Sử dụng hộp nhựa để bảo quản thực phẩm khá tiện lợi nhưng khi lau rửa chúng ta gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với hộp đựng thực phẩm có dầu mỡ.

Một thói quen mà các bà nội trợ hay làm khi vệ sinh hộp nhựa là trụng nước sôi. Đây chẳng khác nào việc bạn đựng thực phẩm nóng bằng hộp nhựa, do đó các chất độc có điều kiện thôi nhiễm ra bên ngoài. Một thói quen khác không kém phần nguy hại đó là dùng chất tẩy rửa mạnh và kỳ rửa mạnh tay với các vết bẩn. Việc làm này khiến hộp nhựa của chúng ta trầy xước và vì thế chất độc dễ dàng thấm vào thức ăn.

Khi vệ sinh các hộp nhựa, nhất là khi chúng dính dầu mỡ, việc đầu tiên bạn nên sử dụng khăn giấy để lau sạch vết dơ và dầu mỡ bám trên đó, sau đó rửa lại với nước rửa chén và tráng qua nước sạch. Điều này hạn chế việc trầy xước và không phải sử dụng đến nhiệt độ cao để làm sạch chúng.

Lựa chọn thông minh của những bà nội trợ

Trong gia đình, hộp đựng thực phẩm là một sản phẩm không thể thiếu. Mặc dù, hộp nhựa có những tác hại tích tụ dần dần và khó có thể nhìn thấy trước mắt đối với sức khỏe gia đình bạn, nhưng việc loại bỏ chúng hoàn toàn là điều khó khăn do thói quen khó sửa đổi. Do vậy, ngày nay các bà nội trợ hiện đại thường cân nhắc sử dụng đồng thời giữa hộp nhựa và hộp thủy tinh để bảo quản các loại thực phẩm thích hợp.

Hộp thủy tinh - giữ món ăn luôn tươi ngon và thực phẩm không bị thôi nhiễm hóa chất độc hại

Loại hộp tốt nhất và an toàn nhất mà bạn nên sử dụng để chứa đựng và bảo quản thực phẩm là hộp thủy tinh. Thủy tinh vốn là một loại chất rắn, trơ, hoàn toàn không thấm nước và không xốp. Điều này sẽ đảm bảo rằng các loại thực phẩm được bảo quản trong hộp thủy tinh không bị làm ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị. Hộp thủy tinh có khả năng giữ cho thực phẩm tươi ngon trong một khoảng thời gian dài. Không khí không thể nào lọt qua lớp thủy tinh dày nên những hộp thủy tinh sẽ rất tốt để bảo quản thực phẩm khô mà bạn không cần “trang bị” thêm những gói chống ẩm độc hại.

Sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh còn rất vệ sinh, không mùi không vị, bạn không phải lo lắng rằng thực phẩm của bạn sẽ bị nhiễm những hóa chất tiết ra từ hộp đựng. Một ưu điểm khác của loại hộp này là chúng rất bền, bạn có thể sử dụng lại nhiều lần để bảo quản thực phẩm mà không phải lo ngại về chất lượng của chúng.


Ngoài ra những hộp, khay bằng các chất liệu khác tương tự như sành sứ cũng rất an toàn cho bạn khi dùng để đựng thực phẩm.



Sưu tầm và Tổng hợp bởi Nguyễn Thị Thiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét